top of page

Bạo lực học đường ở Nhật Bản-Góc tối của đất nước tiên tiến hàng đầu thế giới

  • Bảo Chân
  • May 5, 2017
  • 9 min read

Những vụ bạo lực trong trường học tại Nhật Bản trong năm 2015 đã đạt mức cao nhất từ trước tới nay và đang ảnh hưởng xấu tới môi trường học tập ở Nhật Bản.

Cuộc điều tra của Bộ Giáo dục Nhật Bản cho thấy, số vụ bạo lực tại trường học đã tăng ở tất cả các cấp học lên con số 224.540 trường hợp, tăng 36.000 trường hợp so với năm 2014.

Đã từ lâu, bạo lực học đường đã trở thành một vấn nạn của giáo dục Nhật. Rất nhiều trường hợp thương tâm đã xảy ra. Tháng trước, Kyodo News đưa tin thành phố Kariya của Nhật đã choáng váng sau thông tin một học sinh cấp 2 của Nhật đã chết đuối do bị 3 bạn học ép nhảy xuống sông.

3 bạn học của Kohei đã ép em nhảy xuống sông vì những lý do không đáng. Kohei và các bạn đến một buổi liên hoan của trường. Tại buổi liên hoan này, Kokei đã nói chuyện khá lâu với một bạn nữ khá xinh đẹp trong khi thực tế Kohei đã có bạn gái. Việc đó khiến bạn của cậu rất khó chịu.

Hết buổi liên hoan, các bạn của Kokei đã không cho em về nhà, dồn em đến gần một con sông, không cho em chạy thoát. Các bạn ép em phải nhảy xuống sông, bơi sang bờ bên kia rồi bơi trở lại thì mới được tha thứ. Kokei đã buộc phải xuống sông nhưng khi bơi được một nửa thì em kêu lên: “Tớ đuối quá cho tớ quay về”. Em đã muốn quay về nhưng vì không đủ sức bơi về nên em đã chìm xuống. Thi thể của em được tìm thấy 3 ngày sau đó.

Tuy nhiên đây chỉ là 1 trong hàng ngàn vụ bạo lực học đường ở Nhật Bản.

2 tháng trước đó, tại thành phố Kawasaki ngay ngoại ô Tokyo, thi thể của một học sinh 13 tuổi tên Uemura cũng đã được tìm thấy trong tình trạng em bị đâm nhiều nhát bằng kéo bởi bạn học của mình. Nhiều trang báo của Nhật cho rằng những học sinh tấn công em đã bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công của các chiến binh thuộc Nhà nước Hồi giáo IS trước đó không lâu.

Cái chết của Uemura đã khiến cả nước Nhật chấn động. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sau đó phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng bạo lực học đường. Theo báo Mainichi Shimbun, nhóm học sinh tấn công Uemura đã cố gắng ép em tham gia vào nhóm của họ nhưng em không thích, em đã bỏ học nhiều ngày, giáo viên cố gắng mà không liên lạc được với em. Tuy nhiên ngay cả khi em đã rời trường mà bạn học vẫn tiếp tục đeo bám và kết quả là em đã bị bạn học hại chết.

Một lý do chính dẫn đến tình trạng bạo lực học đường gia tăng ở Nhật, theo học giả Asao Naito, chuyên gia về Nhật bản tại Mỹ, bắt nguồn chính từ văn hóa tập thể của Nhật. Theo đó, một cá nhân sẽ không được chấp nhận nếu không thuộc vào một nhóm nào đó. Quan điểm giáo dục Nhật không chấp nhận cho học sinh rút khỏi nhóm, sống độc lập theo cách riêng của mình. Chính vì thế nhưng em lựa chọn cách sống độc lập thường hay bị bạo lực.

Không có kẻ bắt nạt - chỉ có một nhóm người bắt nạt

Theo Bộ Giáo dục Nhật Bản, nạn bắt nạt học đường tại các quốc gia khác thường do mâu thuẫn của hai, ba học sinh với 1 học sinh còn lại, nhưng tại Nhật, hầu hết các trường hợp đều liên quan đến việc phần lớn lớp học cô lập gây ra những chấn thương dai dẳng về tâm lý (và đôi khi thể chất) trên một nạn nhân. Nói cách khác tại Nhật, bắt nạt là một hiện tượng nhóm.

Xã hội Nhật đặc biệt nổi tiếng vì coi trọng sự đồng nhất và có xu hướng tránh xa sự dị biệt. Trường học gây dựng nên một môi trường giáo dục mà người ta có cảm giác an toàn và yên ổn khi hành xử giống như nhau, và không muốn bị cảm thấy lạc loài khi hành xử khác đi. Để tự bảo vệ mình, họ có xu hướng phủ nhận và kỳ thị những kẻ khác biệt. Điều này hoàn toàn khác xa với những xã hội cởi mở như Âu Mỹ, nơi mà cá tính và cái tôi đặc biệt được coi trọng. Chính vì thế, những cá nhân khác biệt hay nổi bật trong 1 lớp học, một đứa trẻ vượt trội hơn hay một đứa trẻ học đuối hơn dễ có nguy cơ trở thành nạn nhân của bắt nạt. Những trẻ khác biệt theo kiểu quá xinh đẹp, quá xấu, ục ịch béo ú, những trẻ thích yên tĩnh và không có nhu cầu giao du kết bạn, trẻ nước ngoài… đôi khi là những nhóm đối tượng bị bắt nạt.

Sau đây là top 6 bộ phim Nhật Bản hay nhất về vấn đề học đường

1.Aoi Haru

Nghe có vẻ giống một tựa phim điện ảnh khác về học đường: Aoi Haru Ride, nhưng xin chớ nhầm lẫn, đây là hai bộ phim hoàn toàn khác nhau. Aoi Haru ít được biết đến hơn khi người ta nhắc đến phim Nhật Bản về đề tài bạo lực học đường, nhưng khi đã xem rồi thì xin khẳng định, bạn sẽ không bao giờ quên được. Một ngôi trường nam sinh đen tối và hỗn loạn, tranh giành nhau quyền lực trong khi chính bản thân mỗi người còn không biết mình đang làm vì điều gì. Cả bộ phim đầy bạo lực, máu me, tởm lợm nhưng cũng thống thiết lời kêu cứu của tuổi trẻ lạc bước trên con đường mình đi. Diễn xuất của cặp đôi Ryuhei Matsuda và Arai Hirofumi vô cùng xuất sắc, lột tả trọn vẹn tuổi trẻ trong phim. Một bộ phim ngắn gọn nhưng ám ảnh và đầy ý nghĩa.

1 trong những cảnh phim đầy ám ảnh

2.Crows Zero

Khi đề cập đến bạo lực học đường, người nghe có lẽ sẽ tưởng tượng ngay đến những trận ẩu đả, đánh đấm của lũ học sinh. Đấy là bạo lực học đường, nhưng chỉ là một phần rất nhỏ. Ở một nghĩa rộng hơn, bạo lực học đường có thể là những hành vi bạo lực về thể xác, tinh thần, tình dục hay thậm chí là ngôn ngữ diễn ra nơi trường học. Crows Zero (2007) là một bộ phim điện ảnh Nhật Bản dựa trên bộ truyện tranh Crows của tác giả Takahashi Hiroshi. Bộ phim xoay quanh các nam sinh trường trung học Suzuran – ngôi trường nổi tiếng về bạo lực và những trận chiến khốc liệt tranh giành ngôi vị cai trị cao nhất ở Suzuran của các băng đảng học sinh. Ở Crows Zero, bộ phim về học đường nhưng khán giả không một lần được chứng kiến các học sinh lật mở những quyển sách hay thậm chí ngồi học trong trường lớp. Hầu hết mọi điều diễn ra trong phim đều là những cuộc hội họp băng đảng và những trận chiến ác liệt, đẫm máu, chết chóc giữa các nam sinh. Nhân vật chính là Genji, con trai của bố già xã hội đen vào học ở trường và bắt đầu xây dựng thế lực riêng cho mình. Với ba phần phim công chiếu, Crow Zero quy tụ nhiều tài tử nổi tiếng Nhật Bản như Oguri Shun, Yabe Kyosuke, Yamada Takayuki, Daito Shunsuke, Masahiro Higashide...

3.Solomon no GishoSolomon no Gisho

Là bộ phim điện ảnh vừa ra mắt năm 2015. Phim có điểm tương đồng với Watashitachi no Kyokasho là bắt nguồn từ cái chết của một học sinh. Nhà trường đã xem đó là một vụ tự sát, nhưng một lá thư nặc danh tố cáo thủ phạm là một người bạn cùng lớp đã làm cả trường học hoang mang nghi ngờ lẫn nhau. Ryoko Fujino, vốn là một học sinh được tin tưởng bởi thầy cô và bạn bè, bấy lâu nay luôn im lặng trước nạn bắt nạt. Thế nhưng lần này, cô quyết tâm tìm ra sự thật, đòi lại công bằng cho cả người bạn đã mất và bạn bè mình. Đi ngược lại với nhà trường, Ryoko đại diện cho học sinh mở một phiên tòa giả định xét xử vụ án. Solomon no Gisho là tiếng nói, là lời cầu xin khẩn thiết của những nạn nhân bạo lực học đường đến nhà trường, gia đình và cả những bạn bè của mình. Chúng đã bóp méo cuộc sống và nhân cách của những đứa trẻ. Với lối kể chuyện độc đáo, Solomon dần lật mở những sự thật để khiến người xem phải bất ngờ với cái kết.Vai diễn đầu tay của Ryoko Fujino được đánh giá là thành công khi cô bé nhận được giải thưởng diễn viên mới xuất sắc nhất của giải thưởng viện Hàn lâm Nhật Bản. Sự chững chạc, trong sáng của nhân vật được em thể hiện rất thành công. Bên cạnh đó có sự góp mặt của Itagaki Mizuki, cũng là một diễn viên trẻ được đánh giá cao trong bộ phim. Những diễn viên trong vai phụ huynh và thầy cô giáo cũng để lại nhiều cảm xúc cho người xem.

4.Watashitachi no Kyokasho

Trong Watashitachi no Kyokasho, câu chuyện bắt đầu khi một nữ sinh bị ngã xuống sân trường từ cửa sổ phòng học và qua đời. Nhà trường đã kết luận đó là một vụ tai nạn, nhưng luật sư Tsumiki Tamako, và cũng là mẹ kế của em, lại cho rằng đó là hậu quả từ bạo lực học đường. Cô đã quyết tâm lội ngược lại thời gian, tìm hiểu sự thật về những gì Asuka đã trải qua, trả lại công bằng cho em.Ở mỗi tập phim, một sự thật sẽ được hé lộ, một câu chuyện của những người có liên quan sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Mỗi sự thật có thể khiến cho khán giả bàng hoàng, đau đớn, buồn bã và phẫn nộ. Bộ phim được xây dựng chặt chẽ, lối kể chuyện hấp dẫn, khó lòng đoán trước. Kết thúc bộ phim, những dư âm sẽ đọng lại khiến người xem phải trăn trở về trách nhiệm của bản thân trong việc phòng chống bạo lực học đường của toàn xã hội.

5.All About Lily Chou Chou

Không máu me rùng rợn, nhưng All About Lily Chou Chou khiến bạn phải ghê tởm thế giới đen tối sau màu áo trắng học đường. Những con người trẻ tuổi giẫm đạp lên nhau để chứng tỏ sự tồn tại của bản thân một cách vô nghĩa, gây những nỗi đau không thể nào phai nhạt. Phim xoay quanh nhóm 4 nam nữ sinh: Yuichi Hasumi, Shusuke Hoshino, Tsuda và Kuno. Trong khi Yuichi nhút nhát, rụt rè, hoàn toàn không có gì nổi bật thì Hoshino lại là nam sinh đứng đầu toàn trường về thành tích học tập và thể thao. Hai người dần trở nên thân thiết với nhau sau những lần gặp gỡ ở trường. Tuy nhiên, sau một tai nạn suýt chết trong chuyến du lịch cùng nhóm bạn, tâm lý của Hoshino thay đổi 180 độ, từ một học sinh ưu tú, cậu ta trở nên nổi loạn, bất cần. Hoshino đứng đầu một nhóm côn đồ chuyên bắt các nam sinh ăn cắp tiền từ cửa hàng tạp hóa và bắt các nữ sinh làm gái gọi.Gần 3 tiếng của bộ phim, bạn sẽ cảm thấy vô cùng mệt mỏi với những hiện thực tàn nhẫn mà những đứa trẻ đang lớn dành cho nhau, thể hiện qua góc quay tranh tối tranh sáng, tùy tiện có chủ đích. Thế nhưng bạn không thể với tay tắt đi mà cứ theo dõi tiếp tục, theo dõi đến cùng những nỗi đau của tuổi trẻ. Âm nhạc của Lily Chou Chou vang vọng khắp phim, như một đấng cứu thế của bọn trẻ và là người xoa dịu người xem. Một tác phẩm thành công trong vấn đề bạo lực học đường.

6.LifeLife

Là bộ phim truyền hình tiêu biểu nhất về đề tài bạo lực học đường của Nhật Bản, nó phản ánh một cách chân thực, khách quan và cũng thực tế nhất về nạn bạo lực học đường. Nhân vật chính của phim là Ayumu, một học sinh năm nhất. Cô bước vào trường trung học bắt đầu một cuộc sống sống mới sau câu chuyện buồn với người bạn cũ. Thế nhưng vui vẻ chưa được bao lâu, cô lại trở thành nạn nhân của một nhóm nữ sinh mà cầm đầu là một cô gái nổi tiếng nhất trường. Nhịp phim rất nhanh, những tình tiết mới dồn dập xuất hiện khiến người xem bị cuốn vào mạch phim, hồi hộp và lo lắng theo dõi quá trình đứng lên bảo vệ chính bản thân mình của Ayumu trước những thủ đoạn độc ác của chính những bạn học. Bộ phim với cái kết mở cũng khiến người xem ấn tượng và ghi nhớ. Kie Kitano là nữ diễn viên đảm nhận vai Ayumu, đã thể hiện rất tốt một cô gái với tính cách kiên cường, mạnh mẽ. Vai diễn của Saki Fukuda cũng để lại ấn tượng về một Manami xảo quyệt, mưu mô. Dàn diễn viên phụ còn lại như Yoshihiko Hosoda , Megumi Seki, Miki Sakai cũng thể hiện xuất sắc vai diễn của mình. Bộ phim có rất ít những cảnh tươi sáng, vui vẻ. Không khí u ám, đen tối bao trùm cả bộ phim, thế nhưng nó không làm người xem mất đi hy vọng hay buồn thảm, mà thắp lên niềm tin về sự tự đứng dậy của những nạn nhân bạo lực học đường.

Bạo lực học đường là vấn đề không thể tự mất đi, nếu không có sự chung tay góp sức của nhà trường, gia đình, xã hội, và đặc biệt của chính học sinh. Kẻ bắt nạt hay kẻ bị bắt nạt đều cần một bài học cảnh tỉnh cho mình. Điện ảnh cũng chỉ là một phần nhỏ trong đó, nhưng hy vọng sự dũng cảm khi lột tả bạo lực học đường của các nhà làm phim sẽ được đền đáp lại phần nào khi nạn bạo lực học đường được đẩy lùi.

Sưu tầm & chọn lọc


 
 
 

Comments


You Might Also Like:
Popcorn Cake
Pancakes
Flour
Ice Coffee Drink
Cafe au Lait
About Us

Welcome to PFS.Enjoy it!

Join my mailing list

Search by Tags

© 2023 by Going Places. Proudly created with Wix.com

bottom of page